Lưu trữ

Posts Tagged ‘Tin tức – Thời sự’

Bản hùng ca trên tháp pháo (kỳ cuối)

Tháng Mười 9, 2011 Bình luận đã bị tắt

Hơn 30 năm đã qua đi, nhưng hình ảnh chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng sắt tiến vào Dinh tổng thống ngụy quyền trưa 30/4/1975 mãi là biểu tượng chiến thắng huy hoàng của dân tộc.

>> Kỳ 1: Đòn phủ đầu ngỡ ngàng
>> Kỳ 2: Nắm cơm bất tử

Kỳ cuối: “Nhân chứng” đặc biệt

(Đất Việt) Sau khi giải phóng Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết, ngày 26/4/1975, toàn bộ lực lượng của ta bắt đầu bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ba ngày sau, đại đội 4 thuộc tiểu đoàn 1, lữ tăng 203, quân đoàn 2 đã giải phóng được toàn bộ căn cứ Nước Trong – Trường sĩ quan thiết giáp của địch, tạo mũi thọc sâu tiến vào Sài Gòn.

Thần tốc, táo bạo

Mất tuyến phòng ngự vòng ngoài ở Nước Trong, sông Buông, địch co lực lượng về tử thủ ở ngã ba Long Bình, cầu Xa Lộ trên sông Đồng Nai, căn cứ Nguyễn Huệ, Thủ Đức, Học viện cảnh sát, căn cứ Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn. Nửa đêm 29/4, tiểu đoàn 1 đi đầu đội hình đến phía bắc cầu Xa Lộ. Xe tăng và bộ binh ta tiến đánh cụm địch ở bên kia cầu.

Để tránh thiệt hại cho các lực lượng phía sau, ta cơ động tiểu đoàn xe tăng 1 tới sát cầu, bắn nổ tung 3 xe M113 chở đầy đạn ở giữa cầu. Sau đó quân ta tràn lên cầu. Địch cho xe tăng dẫn bộ binh ra phản kích. Xe tăng của tiểu đoàn 1 bắn cháy 4 xe địch, số còn lại hốt hoảng bỏ chạy về Thủ Đức. Sau khi đánh bại địch giữ cầu Xa Lộ, binh đoàn thọc sâu tức tốc vượt cầu, nhanh chóng vượt qua các tuyến ngăn chặn của địch.

Cánh cổng sắt Dinh tổng thống Nguỵ dưới vành xích xe 390.
Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp.

8h ngày 30/4/1975, trong đội hình đại quân thần tốc tiến vào nội đô Sài Gòn, kíp xe 390 gồm: Trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy xe tăng 390, chính trị viên đại đội 4, Trung sĩ Nguyễn Văn Tập – lái xe, Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên – pháo thủ số 1 và Thiếu úy Lê Văn Phượng – pháo thủ số 2, đi đầu đội hình, vượt qua cầu Thị Nghè, gặp xe tăng địch ra ngăn chặn. Bằng một phát đạn xuyên táo, xe 390 diệt luôn 2 xe M113, số xe địch còn lại hoảng sợ bỏ chạy.

Xe tăng 390 tăng tốc theo đại lộ Hồng thập tự, tiến vào đánh chiếm Dinh tổng thống Nguỵ. Thiếu uý Lê Văn Phượng, nguyên Đại đội phó Đại đội tăng 4 nhớ lại, theo phương án tác chiến, xe tăng 390 đến ngã tư thứ 7 thì rẽ trái là vào đến Dinh tổng thống Nguỵ, nhưng vì cả kíp xe không ai biết Dinh ở đâu, xe đã chạy quá một đoạn, nên phải quay lại, theo đường Công lý (nay là đường Nam kỳ khởi nghĩa).

Thắng nhanh để không đổ thêm máu

Sau khi quay lại, chỉ còn cách Dinh khoảng 30m, kíp xe 390 nhìn thấy xe tăng 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy quay nòng pháo, nhấn ga, húc nghiêng cánh cổng phụ bên trái. Do đột ngột gặp sức cản lớn, nên xe chết máy và kẹt ở đó. Khi thấy xe 843 bị vướng trước cổng phụ của Dinh, lái xe Nguyễn Văn Tập quay sang nói với chỉ huy xe Vũ Đăng Toàn: “Hay xe của anh Thận bị thương rồi, Thế nào anh Toàn, có cho xe vào dinh không?”.

“Tông thẳng vào”, Trung úy Toàn đã quyết đoán ra lệnh cho lái xe Nguyễn Văn Tập tông thẳng vào cổng chính của Dinh. Lập tức xe 390 tăng ga, lao thẳng và húc hai cánh cổng thép, xích xe chồm lên cánh cổng bên phải, còn cánh bên trái bung bản lề, nghiêng sang một bên.

Ngay sau đó, xe tăng 843 nổ máy trở lại, tông tiếp vào cánh cổng bên trái, cả hai xe tăng 390 và 843 cùng vượt qua cổng, tiến thẳng vào sân, mở toang cánh cửa cuối cùng vào sào huyệt kẻ thù, tạo điều kiện cho lực lượng ta tràn vào sân Dinh, bắt giữ toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn.

Khi xe tăng 843 vừa dừng lại, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe, được đồng đội yểm trợ và được người trong Dinh dẫn đường, tiến lên tầng thượng, hạ cờ chính quyền Sài Gòn, kéo cờ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên cột cờ cao nhất của Dinh tổng thống nguỵ lúc 11h30 ngày 30/4/1975, thời khắc thiêng liêng báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, đánh dấu sự cáo chung của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

Khi được hỏi, có nghĩ gì khi quyết định húc vào cánh cổng sắt của Dinh? Ông Vũ Đăng Toàn cho biết, lúc đó, chỉ có suy nghĩ duy nhất là phải giành được thắng lợi nhanh nhất, để đồng đội và nhân dân không phải đổ thêm xương máu nữa. Mặc dù, có thể “dính” mìn chống tăng hoặc vật cản nổ của địch bảo vệ cổng Dinh, có thể hy sinh, nhưng kíp xe không có lựa chọn khác.

Các sĩ quan cao cấp trong phủ Tổng thống Nguỵ quyền Sài Gòn
đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng trưa 30/4/1975.
Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp.

Trung sĩ Nguyễn Văn Tập chia sẻ: “Khi thời cơ đến, chúng tôi chỉ biết đó là độc lập. Đất nước còn chiến tranh thì đau khổ vẫn còn, vậy thì quyết định nhanh chóng để bắt nội các Dương Văn Minh đầu hàng, chấm dứt chiến tranh”. Họ là những người hạnh phúc nhất được chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc.

Đó là giờ phút mà không phải người lính nào cũng có may mắn được trải nghiệm. “Cảm giác sung sướng đến phát khóc khi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử, đích đến cuối cùng sau bao nhiêu năm đồng bào, đồng chí đổ xương máu cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc”, Thiếu úy Lê Văn Phượng bồi hồi nhớ lại.

Năm tháng đã qua đi, nhưng hình ảnh xe tăng 390 húc tung cánh cổng sắt tiến vào Dinh tổng thống Nguỵ quyền Sài Gòn trưa 30/4/1975 mãi mãi là in đậm trong lòng những người lính xe tăng và trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Hiện nay, xe tăng 390 được trưng bày tại Bảo tàng lực lượng Tăng – Thiết giáp. Câu chuyện về “nhân chứng” lịch sử đặc biệt này sẽ như một khúc ca truyền thống tiếp lửa cho các thế hệ những người lính Tăng – Thiết giáp.

Với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn của xe tăng 390 trong Đại thắng mùa Xuân 1975, tháng 8/2011, Hội đồng Khoa học Bộ Quốc phòng đã xét duyệt hồ sơ và thẩm định hiện vật xe tăng 390, nhất trí đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Hoàng Hà

baodatviet.vn

Bản hùng ca trên tháp pháo (kỳ 2)

Tháng Mười 9, 2011 Bình luận đã bị tắt

Ở Bảo tàng lực lượng tăng thiết giáp, có một hiện vật không thuộc nhóm vũ khí khiến khách tham quan không khỏi rưng rưng. Đó chính là nắm cơm bị cháy.

>> Kỳ 1: Đòn phủ đầu ngỡ ngàng

Kỳ 2: Nắm cơm bất tử

Đầu năm 1972, chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, Bộ chỉ huy mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch xuân – hè nhằm tiêu diệt căn cứ Đăk Tô – Tân Cảnh bằng trận chiến hiệp đồng binh chủng có xe tăng tham gia, góp phần tạo thế phát triển thuận lợi cho chiến dịch.

Như mũi tên thép

Đăk Tô – Tân Cảnh vốn là căn cứ quân sự mạnh nhất của ngụy quân ở bắc Tây Nguyên, mà Mỹ – ngụy cho là vành đai thép án ngữ hành lang Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Đầu năm 1972, ở đây có 28 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu doàn pháo binh và 4 tiểu đoàn thiết giáp. Phần lớn lực lượng địch được bố trí ở dãy cao điểm phía tây sông Pôkô, hình thành tuyến phòng ngự lâm thời từ xa bảo vệ thị xã Kon Tum.

Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh là giải phóng 1/3 mạn bắc tỉnh Kon Tum, làm sụp đổ tuyến phòng thủ bắc Tây Nguyên của quân đội Sài Gòn. Sau khi vừa tham chiến ở Đường 9 – Nam Lào trở về, tiểu đoàn 297 tăng thiết giáp lại được lệnh tiến vào chiến trường Tây Nguyên với khẩu hiệu “Tiến sâu – Ở lâu – Đánh thắng!”. Sau 2,5 tháng hành quân, đến đầu năm 1972 thì tới ngã ba biên giới Đông Dương.

Đêm 23/4/1972, từ ngầm sông Pô Kô Hạ, đại đội 7 gồm 9 chiếc xe tăng cùng trung đoàn 66 bộ binh bắt đầu xuất kích. 1g ngày 24/4/1972, xe 377 dẫn đầu tấn công vào hướng đông căn cứ e42 – Tân Cảnh, mở màn trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm này. Sau hơn nửa giờ chiến đấu ác liệt, căn cứ của địch chìm trong khói lửa.

Xe 377 cùng đồng đội xuất kích trong trận Đắk Tô – Tân Cảnh 1972 (Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp).

Đến 4h30, xe 377 dẫn đầu cho bộ binh và xe 357 xốc tới, dũng mãnh tấn công, như một mũi thép lướt qua công sự, chiến hào, vật cản của địch… tiến thẳng vào sở chỉ huy e42, khiến đại tá cố vấn Mỹ, đại tá Lê Đức Đạt chết tại chỗ, đại tá Vi Văn Bình bị bắt sống. Đến 8h cùng ngày, ta cơ bản làm chủ khu vực Đăk Tô – Tân Cảnh.

Quân ta bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng, 20 pháo 105 ly, gần 100 xe quân sự, hàng vạn quả pháo và toàn bộ phương tiện chiến tranh của địch, bắt 429 tù binh ngụy. Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định điều một trung đội xe tăng, gồm xe 377, 354, 369 vận động theo đường 18 lên hiệp đồng với Trung đoàn 1, Đoàn 2, tiêu diệt địch ở căn cứ Đăk Tô 2.

Một đấu mười

Mặc dù không có thời gian chuẩn bị nhưng, Thiếu uý Nguyễn Nhân Triển, Trung đội trưởng Trung đội tăng 3 (ngồi trên xe 377) đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, vừa cơ động, quan sát nắm địch, đồng thời dẫn trung đội vận động với tốc độ cao, dũng cảm vượt qua các trận địa, sự bắn phá ác liệt của máy bay địch để đến căn cứ Đăk Tô 2 trước thời gian.

Xe 377 lại tiếp tục dẫn đầu hai xe 354 và 369 lao thẳng vào cứ điểm. Vì gặp chướng ngại vật nên hai xe kia bị tụt lại phía sau. Địch thấy chỉ có mỗi một xe 377 đơn độc bèn cho xuất kích 10 chiếc tăng M41 chia làm 2 mũi bao vây. Xe 377 lọt vào giữa vòng vây của địch. Cuộc đấu 1 chọi 10 diễn ra ác liệt.

Xe 377, huyền thoại của Binh chủng Tăng Thiết giáp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp).

Trong tình thế nguy nan, Nguyễn Nhân Triển đã bình tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu, bắn cháy 7 xe M41, làm rối loạn đội hình địch. Xe tăng 354, 369 trên đường cơ động, biết xe 377 gặp khó khăn chờ chi viện đã chạy với tốc độ cao nhất lao lên trận địa, bắn cháy 3 xe tăng địch. Lúc đó, một xe tăng địch ở phía Nam sân bay dã chiến Phượng Hoàng bắn trúng xe 377.

Dù xe bốc cháy, nhưng kíp xe vẫn kiên cường truy kích địch. Nhưng cuối cùng 4 chiến sĩ trong xe là Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển, Hạ sĩ pháo thủ Hoàng Văn Ái, Nguyễn Đắc Lương và Hạ sĩ lái xe Cao Trần Vịnh đã anh dũng hy sinh. Lúc này xe tăng, bộ binh ta mãnh liệt tiến lên tràn vào tiêu diệt địch, làm chủ căn cứ Đăk Tô 2.

11h30 hôm ấy lá cờ của Tỉnh ủy Kon Tum trao cho trung đoàn 66 tung bay trên cứ điểm Đăk Tô. Quân địch đóng ở các căn cứ Ngok Bờ lêng, Ngok Rinh Rua, Tri Lễ, quận ĐăkTô, rút chạy toán loạn. Một vùng đất từ Diên Bình, qua Tân Cảnh đến ĐăkTô, về Đăk Mot và hàng chục ngàn đồng bào các dân tộc Kontum được giải phóng.

Xác những chiếc xe tăng Mỹ do kíp xe 377 bắn cháy tại trận Đắk Tô 2 (Ảnh do Bảo tàng Tăng – Thiết giáp cung cấp).

Trận đánh kết thúc, đồng đội tìm thấy xe 377 đang bốc cháy giữa ngổn ngang xác xe tăng địch. Bên cạnh thi thể không còn nguyên vẹn của các anh, là những nắm cơm mà các anh chưa kịp ăn giữa hai trận đánh đã bị cháy thành than. Tập thể kíp xe 377 đã lập kỷ lục về hiệu suất chiến đấu cao: 1 xe tăng tiêu diệt 7 xe tăng địch trong một trận đánh.

Với chiến công trên, tập thể xe 377 đã nêu tấm gương sáng về bản lĩnh kiên cường. Chiến công của xe 377 được coi là chuyện huyền thoại của Binh chủng tăng thiết giáp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Xe tăng 377 đã trở thành kỷ vật vô cùng thiêng liêng, tự hào của Đơn vị H73 và gia đình các liệt sĩ.

Ghi nhớ chiến công của các anh, chiếc xe tăng 377 đã trở thành tượng đài đặt ở giữa trung tâm thị trấn Đăk Tô, nơi các anh đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Phần hài cốt của các anh đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Đăk Tô, mảnh đất nơi các anh đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước; còn nắm cơm đã cháy thành than, cùng các di vật của kíp xe 377 hiện vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng lực lượng tăng thiết giáp. Ngày 1/9/2009 nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho kíp xe tăng 377.

Hoàng Hà

baodatviet.vn