Trang chủ > Trận then chốt > Đột biến chiến dịch

Đột biến chiến dịch

Tháng Tư 13, 2011

Trận then chốt quyết định (kỳ 6)

Một lực lượng dự bị chiến dịch như thế là quá mỏng. Để khắc phục tình trạng này, đã có dự kiến đưa Sư đoàn 10, ngay sau khi giải quyết xong Đức Lập ngày 9 tháng 3, về đứng chân phía đông bắc Buôn Ma Thuột làm dự bị. Nhưng như tôi đã nói, tình huống chiến đấu không suôn sẻ đã khiến sư đoàn này cho đến sáng hôm nay, ngày 10 mới dứt điểm Đức Lập và hiện đang phát triển vào mục tiêu cuối cùng là ngã ba Dak Sak.

Thời gian là lực lượng! Có điều gì khắc nghiệt mà dễ hiểu hơn chân lý đó của chiến tranh. Tranh thủ được một tiếng đồng hồ, lực lượng có thể tăng gấp đôi. Tranh thủ được 24 tiếng đồng hồ lực lượng có thể tăng gấp mười. Ngay sáng hôm qua, khi nhận thấy không còn cần thiết, Bộ tư lệnh đã điều tiểu đoàn dự bị của Sư đoàn 10 về trong đội hình Trung đoàn 24 và hôm nay, cho lệnh điều tiếp Trung đoàn 66 khi Đức Lập đã chắc thắng. Tôi lưu ý cơ quan tham mưu nắm tình hình cơ động của Trung đoàn 66 là vì thế. Và phải đôn đốc Sư đoàn 10 dứt điểm Dak Sak ngay trong chiều nay để có thể đưa nốt Trung đoàn 28 về trong đội hình sư đoàn ở phía đông bắc Buôn Ma Thuột. Thời gian là lực lượng! Để tranh lấy yếu tố thời gian, Bộ tư lệnh Chiến dịch đã huy động tất cả các phương tiện cơ giới có thể có được lúc đó để cơ động bộ đội. Vừa ra khỏi chiến đấu, đẫm mình hơi thuốc súng và bụi đất, nguyên cả âm vang của thắng lợi vừa qua và lòng hăm hở hướng tới, các chiến sĩ lao nhanh trên ô tô để bước tiếp vào trận chiến đấu mới. Dù kẻ địch có điều đến thêm lực lượng thì ngày mai hoặc chậm lắm là ngày kia, sư đoàn dự bị chiến dịch đã sẵn sàng đối phó. Và tôi có thể nói trước là, chúng ta đã tranh thủ được thời gian. Vừa cơ động đến nơi, từng đơn vị của Sư đoàn 10 đã lao ngay vào trận chiến đấu đánh địch trong hành tiến, trận chiến đấu quyết định số phận Sư đoàn bộ binh 23 và Liên đoàn biệt động 21 mà tôi sẽ đề cập đến.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nô nức trở về thị xã Buôn Ma Thuột sau khi được giải phóng.

Trở lại những diễn biến ở Buôn Ma Thuột trong ngày 10 tháng 3. Đến cuối ngày do những nỗ lực rất lớn của bộ đội, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi trên các hướng tiến quân. Vào khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi liên tiếp nhận được báo cáo là bộ đội thọc sâu tiến công từ hướng tây và sau đó là một mũi của Trung đoàn 174 do Thiếu tá, Trung đoàn phó Nguyễn Văn Minh dẫn đầu tiến công từ hướng tây nam đã phát triển đến mục tiêu cuối cùng, sở chỉ huy Sư đoàn 23 của địch. Trong khi đó, các thông tin về tình hình địch do phòng 2 quân báo cung cấp thì lại cho thấy chúng ta chưa đến được mục tiêu chủ yếu này. Lịch sử có lặp lại không đấy? Tôi nhớ ngay một tình huống tương tự xảy ra năm 1972 khi chúng ta đánh vào thị xã Kon Tum: Bộ đội báo cáo là đã ở trong sở chỉ huy Sư đoàn 22 địch nhưng quân báo-lại vẫn là quân báo – thì khẳng định rằng, đó chưa phải là sào huyệt của chúng và quân báo đúng. Điều này không có gì lạ: Chúng ta chưa quen đánh trong thành phố, việc nhận dạng các vị trí địch thường có tính chất ước lệ và nếu có dựa vào bản đồ chiến thuật, ảnh chụp và các vật chuẩn thì những thứ ấy nhiều khi đã mất hiệu lực thời gian. Có sự nhầm lẫn là điều khó tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng là tuyệt đối không để tình trạng mơ hồ đó kéo dài, tuyệt đối. Phải xác minh lập tức. Chỉ huy sở phía trước, do các Đại tá Nguyễn Năng và Phí Triệu Hàm chỉ huy, đã cử ngay Thượng tá, Phó tham mưu trưởng Lê Minh và một tổ các sĩ quan tham mưu gồm nhiều thành phần dùng xe “gíp” tiến theo hướng của bộ đội thọc sâu…

Đúng như dự đoán, các chiến sĩ của chúng ta đã nhầm lẫn. Do hình thái cấu trúc tương tự bên ngoài, bộ đội đã tưởng vị trí của khu thông tin và tiểu đoàn quân y địch mà họ vừa tiến đến là căn cứ của Sư đoàn 23. Nhưng như vậy là cũng đã tiến sát mục tiêu cuối cùng. Và trên tất cả các hướng, chúng ta đã làm chủ đại bộ phận thị xã. Các dấu hiệu chứng tỏ kẻ địch tuyệt vọng, mặc dù chúng không ngừng phản kích. Chúng tôi lệnh cho Thượng tá Lê Minh bắt liên lạc trực tiếp với 5 mũi tiến quân, cho bộ đội dừng lại ban đêm để củng cố, thống nhất các động tác hiệp đồng, chuẩn bị cho đòn tiến công ngày hôm sau.

Và trận công kích cuối cùng vào căn cứ Sư đoàn 23 sáng ngày 11 tháng 3 đã diễn ra đúng như dự kiến, tuyệt đẹp nữa là khác: sau trận pháo như thác giội, bộ binh ào lên từ các hướng và đến 9 giờ 5 phút, chiếc xe tăng đầu tiên phá vỡ hầm chỉ huy địch. Hầu như cùng một lúc các mũi tiến công đã hội quân ở mục tiêu cuối cùng. Sở chỉ huy của chúng tôi lúc ấy đã giống như một ngày hội.
Đến đây, tôi lại nhớ đến biên bản về cuộc thẩm vấn các sĩ quan ngụy do Đại úy Vũ Cao Phan thực hiện mà tôi đã đề cập tới ở trên. Chúng tôi đã đặt ra với họ câu hỏi này theo lối trắc nghiệm: “Trận tiêu diệt Quân đoàn II tháo chạy trên đường 7 đã có ý nghĩa theo chốt quyết định chiến dịch Tây Nguyên? Hay trận tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột rồi sau đó tiêu diệt Sư đoàn 23?”. Hai trong số các ý kiến trả lời xác định trận truy kích trên đường số 7, còn tất cả-80%-xác định trận Buôn Ma Thuột. Có thể phải nói thêm điều gì nữa? Đòn điểm trúng huyệt! Nhìn lại trận đánh ấy từ góc độ lịch sử, chúng ta thấy điều đó đúng với cả ý nghĩa chiến thuật, chiến dịch lẫn chiến lược.

Chúng tôi vào thành phố 12 vạn dân vừa mới được giải phóng ít ngày sau đó. Tôi nhận ra một điều khá lạ lùng là để “Việt cộng khỏi có chỗ ẩn núp”, tất cả các đồn điền cà phê kế cận Buôn Ma Thuột trong vòng 10km đều đã bị đốn sạch từ lâu, vậy mà trên đường đi của chúng tôi, sát ngay cửa ngõ thị xã, cà phê vẫn mặc sức trải thành rừng. Hỏi ra mới rõ là ông chủ của lô rừng cà phê này là mấy tay tư bản Pháp. Họ có nhiều tiền và tiền nhiều đã giúp họ thoát khỏi cái lệnh tai ác trên của những tướng tá ngụy và “giúp” luôn cho “mấy ông giải phóng”. Bộ đội ta đã tìm được vị trí triển khai tuyến xuất phát tiến công kín đáo trong những lô cà phê này. Đi giữa thị xã, chúng tôi mừng nhất là mặc dù trận đánh diễn ra ác liệt như vậy, sự thiệt hại của nhân dân là không đáng kể cả về người lẫn vật chất. Điều đó chứng tỏ là bộ binh, pháo binh, xe tăng của chúng ta đã đánh rất trúng mục tiêu. Và bộ đội phòng không đã hoạt động có hiệu quả chống lại các hoạt động oanh tạc của máy bay địch. Đại tá Yblok Eban, dân tộc Ê Đê, Chủ tịch Ủy ban Quân quản đã báo cáo với tôi về tình hình thị xã. Đồng chí cho biết rằng dân cư có vẻ thưa thớt là vì đã có lệnh cho sơ tán triệt để tránh máy bay địch oanh tạc, tuyệt đại bộ phận nhân dân vẫn ở lại với cách mạng mà không chạy đi. Đây là một vấn đề quan trọng mà chúng tôi đã chú ý nhiều trong giai đoạn chuẩn bị. Đã có nhiều cuộc thảo luận về việc phối hợp tác chiến của bộ đội với nổi dậy của quần chúng trong thị xã giữa các đồng chí đại diện Khu ủy, Tỉnh ủy và Chính ủy Chiến dịch, đồng chí Đặng Vũ Hiệp.

Ngày 6 tháng 3, ba ngày trước nổ súng, tại Sở chỉ huy Chiến dịch, đã tiến hành cuộc họp đề ra sự phối hợp cụ thể giữa các đồng chí Đặng Vũ Hiệp, Bùi San, Huỳnh Văn Mẫn, Yblok Eban và nhiều đồng chí khác. Trước đây, Buôn Ma Thuột vốn là nơi có các cơ sở cách mạng khá hơn cả ở Tây Nguyên. Và cũng chính nơi đây đã nổ phát súng lệnh cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của cả miền Nam Tết Mậu Thân. Nhưng phong trào đã sút kém đi từ đầu những năm 70 vì bị đứt mối cơ sở. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là chúng tôi không thể thông báo sớm các ý định tác chiến để có thể bàn ngay một cách cụ thể, vì bí mật quân sự, cố nhiên, của một chiến dịch rất cần yếu tố bất ngờ. Bởi các lẽ đó, khó mà đặt vấn đề tổ chức cho nhân dân nổi dậy như cách hiểu thông thường được. Chúng tôi nhất trí với quan niệm của Khu ủy là, nổi dậy trong tình hình này trước hết là phát động làm sao để dân tin tưởng ở lại ủng hộ Quân giải phóng khi chúng ta tiến vào thị xã. Điều đó cũng đúng với khái niệm mà thuật ngữ cách mạng này bao hàm. Hiểu theo cách đó, chúng ta đã vượt yêu cầu. Các mũi tiến quân đều có các cơ sở quần chúng dẫn đường. Nhân dân đã tham gia tiếp tế và chỉ hướng cho bộ đội truy quét địch. Các công sở, xí nghiệp dân dụng giữ được nguyên vẹn và trở lại hoạt động bình thường ngay. Sự đoàn kết Kinh, Thượng được giữ vững và bước đầu củng cố. Trong việc bảo vệ nhà máy thủy điện Đray-H’ling, có công của các công nhân người Ê Đê phối hợp với các công nhân người Kinh. Chúng tôi lưu ý thêm Bộ chỉ huy quân quản về vấn đề bảo đảm đời sống cho nhân dân.

Vào đến Sở chỉ huy Sư đoàn 23, giữa ngổn ngang gạch đá và miểng pháo, Thiếu tá Nguyễn Xuân Yêm nhặt lên và đưa cho tôi xem một cuốn sách. Đó là cuốn hồi ký của một viên đại tá ngụy nào đó viết khá huênh hoang dưới tiêu đề: “Từ Điện Biên Phủ đến Kon Tum”. Tôi lật qua vài tờ và nhìn thấy tên mình được nhắc tới ở một đôi chỗ. Thì ra, viên sĩ quan này muốn chứng tỏ y biết rõ đối phương từ những chi tiết sinh hoạt nhỏ nhặt nhất, nhưng y đã chẳng biết cái gì cả: Tôi chỉ dùng cà phê khi thật cần thiết chứ không phải là ham thích thứ đồ uống này.

*

* *

Đòn phản kích tiếp liền sau đó do Bộ chỉ huy Quân khu 2 địch tung ra đã tiêu nốt những lực lượng còn lại của Sư đoàn 23 khiến sư đoàn này hoàn toàn bị xóa sổ (1).

Ngay sau khi cơ động lực lượng từ Đức Lập sang phía đông thị xã, như tôi đã đề cập ở phần trên, từ ngày 11 tháng 3, những đơn vị đến trước của Sư đoàn 10 đã lập tức tiến công các căn cứ ngoại vi còn lại rồi bước vào đánh địch phản kích. Từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 3, bằng vận động bao vây tiến công liên tục đánh địch trong hành tiến – một hình thức tác chiến mới mẻ có trình độ đánh tiêu diệt cao-các Trung đoàn 24 và 28 của Sư đoàn bộ binh 10 và Trung đoàn bộ binh độc lập 25, đã lần lượt tiêu diệt các trung đoàn 45, 44, 21 và các đơn vị tăng phái đổ bộ xuống. Còn cần phải nhắc đến ở đây trận tiêu diệt Trung đoàn 53 địch ở sân bay Phượng Dực (đông thị xã Buôn Ma Thuột), ngày 17 tháng 3, một trận đánh góp phần xóa sổ Sư đoàn 23 và cắt đứt bàn đạp mà địch hy vọng sử dụng để phản kích đánh chiếm lại Buôn Ma Thuột. Nhiệm vụ thực hiện trận đánh này, theo quyết tâm, được giao cho Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316. Nhưng do trung đoàn, một phần thấm mệt vì trận tấn công vào thị xã trước đó, và chủ yếu là vì nắm địch chưa chắc, nên trận đánh đã qua ba ngày mà vẫn chưa ngã ngũ. Một tình hình như thế bao giờ cũng cho thấy phải tăng cường lực lượng. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đưa thêm vào trung đoàn 66 của sư đoàn 10. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh đồng chí chiến sĩ cảnh vệ ốm yếu gầy gò sau một cơn sốt rét ác tính đã nằng nặc không chịu về tuyến sau trong năm Mậu Thân. Bây giờ chính đồng chí ấy đấy, Thiếu tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Đình Kiệp. Nhận được lệnh, đồng chí lập tức dẫn ngay các cán bộ của mình vượt lên trước để nhận nhiệm vụ hiệp đồng. Không gặp người chỉ huy sư đoàn tại tọa độ xác định, các đồng chí đã chủ động đi tìm suốt một đêm ròng với lòng nôn nóng được lao vào trận đánh. 8 giờ sáng hôm sau gặp được chỉ huy, lập tức quay ra đưa bộ đội vào chiếm lĩnh. 14 giờ giao nhiệm vụ cho các tiểu đoàn tại trận địa, 17 giờ nổ súng tấn công, 8 giờ sáng ngày 17 tháng 3, cùng với trung đoàn 149, các đồng chí cắm cờ chiến thắng lên vị trí địch. Chúng tôi rất cần những chiến sĩ, những cán bộ như thế trong chiến đấu và nhận thấy rằng quân đội của chúng ta đã không bao giờ thiếu.

Tiến sĩ Vũ Cao Phan (ghi)
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo

Trận then chốt quyết định (kỳ 5)
Trận then chốt quyết định (kỳ 4)
Trận then chốt quyết định (kỳ 3)
Trận then chốt quyết định (kỳ 2)
Trận then chốt quyết định (kỳ 1)

Kỳ 7: Bùng nổ chiến lược

(1) Khi xảy ra trận đánh Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 23 chỉ có sở chỉ huy hành quân sư đoàn và một trung đoàn bộ binh nằm trong tổng số hơn 8.000 tên địch trong thị xã. Hai trung đoàn khác của nó lúc ấy ở Plei-cu.