Lưu trữ

Posts Tagged ‘Hấp hối ngày cuối’

Ban Mê thuột: Tướng Phú bị lừa như thế nào?

Tháng Tư 16, 2011 Bình luận đã bị tắt

Ban Mê thuột: Tướng Phú bị lừa như thế nào?

Chinh quyen Sai Gon nhung ngay hap hoi

Kể từ khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (30/4/1975), nhiều người Mỹ và phương Tây vẫn không thể hiểu nổi tại sao Chính quyền Sài Gòn nhanh chóng sụp đổ, khiến Mỹ phải tháo chạy trong cuộc di tản lớn nhất trong lịch sử?

Trong cuốn “Decent Interval” (tạm dịch là phút giao thời), tác giả Frank Snepp – Chỉ huy trưởng Trung tâm phân tích tình báo chiến lược của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Việt Nam cung cấp nhiều thông tin quan trọng theo cách nhìn của người trong cuộc ở phía bên kia, góp phần tìm lời đáp cho câu hỏi “tại sao?”.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng và miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tiền Phong lược dịch một số đoạn trong cuốn “Phút giao thời” nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm một nguồn thông tin tham khảo giúp hiểu hơn về chiến thắng 30/4 vĩ đại của dân tộc ta.

Kỳ 2: Cuộc họp Nội các và Chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” của Tổng thống Thiệu

Kỳ 3: Huế, Đà Nẵng thất thủ không thể cưỡng nổi

Kỳ 4: Đại sứ Mỹ Graham Martin và kế hoạch di tản

Kỳ 5: Vì sao Mỹ không ủng hộ Nguyễn Cao Kỳ đảo chính?

Kỳ 6: Những toan tính quanh “con bài” Nguyễn Văn Thiệu

Kỳ 7: Tiểu xảo “rọi đèn pha” và tham vọng của Pháp

Kỳ 8: Tổng thống Thiệu cướp ngân khố quốc gia

Kỳ 9: Cuộc từ chức đầy kịch tính của Tổng thống Thiệu

Kỳ 10 : Hy vọng trong tuyệt vọng

Kỳ 11: Tổng thống Trần Văn Hương đón nhầm vận mệnh

Kỳ 12 : Cuộc ra đi trong nước mắt của kẻ thất sủng Nguyễn Văn Thiệu

Kỳ 13 : Trần Văn Hương xin làm Tổng thống thêm nửa ngày

Kỳ 14: Vị Tổng thống 3 ngày và những quyết định khó hiểu

Kỳ cuối : Di tản hoảng loạn và sụp đổ

Khi các sư đoàn quân đội Bắc Việt đã bí mật ém quân bao vây Ban Mê Thuột, tại sở chỉ huy tối cao quân đội Sài Gòn người ta vẫn không hay biết gì. Mặc dù vài ngày trước đó tình báo quân sự Việt Nam Cộng hòa tại quân khu 2 đã thu được cuốn nhật ký trong ngực áo của một người lính Bắc Việt đã hy sinh.

Cuốn nhật ký để lộ một số nội dung kế hoạch chiến dịch đánh Ban Mê Thuột của Sư đoàn 320 Bắc Việt. Cùng lúc, nguồn tin từ tỉnh Quảng Đức giáp Ban Mê Thuột cũng báo cáo về rằng có sự tập trung lớn quân đội Bắc Việt ở vùng biên giới Cămpuchia.

Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh quân khu 2 cực kỳ bối rối sau khi nhận được hai tin nói trên. Nếu quả đúng như vậy, ông ta không có đủ lực lượng để bảo vệ tất cả những mục tiêu tiềm tàng trên khắp vùng Tây Nguyên.

Sư đoàn 23 tinh nhuệ nhất của tướng Phú đã phải căng ra đối phó nên lực lượng bảo vệ mỗi mục tiêu trở nên quá mỏng. Hai lữ đoàn của sư 23 bị điều lên bảo vệ Kontum và Pleiku. Một phần của lữ đoàn thứ 3 bị kéo căng ra để giữ mặt trận Ban Mê Thuột – Quảng Đức.

Nếu quả thực sư 320 của Bắc Việt đã dàn quân chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột thì việc tướng Phú phải điều lực lượng chủ lực của mình bảo vệ Ban Mê Thuột là điều bắt buộc. Nhưng nếu tướng Phú điều hết lực lượng tinh nhuệ xuống Ban Mê Thuột rồi mà tin tình báo là sai thì Kontum và Pleiku sẽ bị mất vào tay đối phương là cái chắc.

Nhưng tướng Phú không thể liều trong canh bạc này. Ông ta quyết định giữ nguyên các lực lượng chủ lực của mình bao gồm phần lớn sư đoàn 23 tập trung ở phía bắc Tây Nguyên để bảo vệ Kontum và Pleiku.

Nhằm củng cố thêm cho quyết định của mình, tướng Phú viện dẫn ra những bức điện mà lực lượng thám không của ông ta mới thu được của đài thông tin Cộng sản. Những bức điện này cho thấy sở chỉ huy sư 320 của quân đội Bắc Việt vẫn hoạt động bình thường ở khu vực Đức Cơ phía tây Pleiku. Chứng tỏ sư 320 quân đội Bắc Việt không có ý định tấn công Ban Mê Thuột. Do vậy, tin tình báo mà tướng Phú nhận được trước đây là “sai”.

Tướng Phú không hề biết rằng trên thực tế tin tình báo của ông ta là hoàn toàn đúng còn những bức điện của lực lượng thám không quân đội Sài Gòn thu được mới là giả. Để nhằm đánh lạc mục tiêu săn lùng của đối phương, quân đội Bắc Việt đã lập ra những sở chỉ huy giả ở Đức Cơ.

Từ những chỉ huy sở giả này, họ phát lên không trung đều đặn những bức điện cốt làm cho đối phương tin rằng sư 320 quân đội Bắc Việt vẫn còn ở khu vực Đức Cơ gần Pleiku.

Sự đánh lừa này khéo đến mức tất cả bộ chỉ huy quân đội Sài Gòn và các cố vấn Mỹ, CIA đều không ai nhận ra. Đây chính là nhân tố cuối cùng dẫn đến các hậu quả chết người sau này đối với Chính quyền Sài Gòn.

Trong khi tướng Phú đang cố tìm hiểu ý định thực sự của đối phương, tướng Mỹ Timmes đã đích thân tới Pleiku để gặp Phạm Văn Phú. Viên Tư lệnh quân khu 2 không hề che dấu sự bối rối của mình với tướng Timmes.

Bất chấp các thông tin báo về rằng quân đội Bắc Việt đang tập trung quanh khu vực Ban Mê Thuột, tướng Phú vẫn đinh ninh rằng đối phương sẽ mở mũi tấn công chủ yếu vào Pleiku và Kontum.

Tướng Timmes không có thông tin gì hơn, mặc dù lập luận của tướng Phú không mấy thuyết phục nhưng ông ta cũng chẳng biết phải cố vấn thế nào.

Trong khi tướng Phú còn chưa rõ mục tiêu thực của đối phương, quân đội Bắc Việt vẫn tiếp tục chuẩn bị cho các trận đánh. Khoảng cuối tháng 2, Tướng Văn Tiến Dũng đã hoàn thành chuyến đi của ông từ Hà Nội vào Tây Nguyên để thành lập Bộ chỉ huy tiền phương (tức là Bộ Chỉ huy mặt trận Tây Nguyên) đóng tại phía tây Ban Mê Thuột.

Để giữ bí mật sự hiện diện của mình ở Tây Nguyên, tướng Văn Tiến Dũng cho ngừng tất cả mọi cuộc liên lạc bằng vô tuyến điện. Sự liên lạc giữa ông với Hà Nội được thực hiện qua đường điện thoại.

Nhờ các tin tình báo và những bức điện mà lực lượng thám không thu được của đối phương, tướng Văn Tiến Dũng sớm biết rằng tướng Phú đang bối rối trong việc xác định vị trí thật của sư 320 quân đội Bắc Việt. Tư lệnh quân khu 2 Phạm Văn Phú không chỉ mất hút sư 320 mà còn không biết sư đoàn 10 quân đội Bắc Việt đang ở đâu.
Sư 10 chính là sư đoàn thường mở các trận tấn công vào Kontum và Pleiku. Tướng Phú không hề biết rằng trên thực tế sư 10 đã được bí mật điều vào phối hợp cùng với sư 320 ém sẵn tại Ban Mê Thuột.

Nhằm đánh lạc hướng nhiều hơn nữa đối phương, tướng Văn Tiến Dũng đã ra lệnh cho một số đơn vị nhỏ lẻ của quân đội Bắc Việt ở lại Pleiku và Kontum, thỉnh thoảng lại mở những đợt tấn công gây rối ở khu vực mà sư đoàn 10 đóng quân trước đây cốt để cho tướng Phú tin là sư 10 quân Bắc Việt vẫn chưa di chuyển.

Vào lúc này, sư đoàn 316 của quân đội Bắc Việt cũng được điều từ miền Bắc vào đã tiến sát Ban Mê Thuột. Chưa đầy 3 tuần sư 316 đã di chuyển vào Nam thành công, dọc đường đi không hề liên lạc bằng điện đài nên đối phương hoàn toàn không ngờ sư 316 đã có mặt ở Tây Nguyên.

Nhờ sự điều quân bí mật, tương quan lực lượng của tướng Dũng tại Ban Mê Thuột về mặt con người đang có nhiều lợi thế, lúc này là 5 chọi 1. Đấy là chưa kể đến còn sư đoàn 968 từ Nam Lào được giao nhiệm vụ thực hiện những cuộc hành quân nhỏ lẻ ở khu vực Pleiku và Kontum nhằm đánh lừa tướng Phú.

Tại Đại sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn chúng tôi không hề hay biết gì về việc tướng Văn Tiến Dũng đã có mặt ở miền Nam Việt Nam, nói chi đến chuyện biết gì về việc quân đội Bắc Việt đã lập xong các chỉ huy sở ở phía Tây Ban Mê Thuột và đang chuẩn bị đánh chiếm căn cứ quan trọng này.

Ngày 1/3/1975, quân đội Bắc Việt ở Tây Nguyên chính thức mở chiến dịch đánh vào Ban Mê Thuột bằng việc đánh chiếm căn cứ Đức Lập ở phía Nam hướng đi Cămpuchia.

Lúc này tại Chỉ huy sở của tướng Phú ở Pleiku, các trợ lý phân tích tình báo đưa ra kết luận Ban Mê Thuột sắp bị tấn công. Vậy mà tướng Phú vẫn còn nghi ngờ, mãi sau mới chấp nhận điều thêm một lữ đoàn đến Buôn Hồ để hỗ trợ các đơn vị đang giao chiến ở đó.

Bên trong thành phố Ban Mê Thuột lúc này quân đội Sài Gòn chỉ thực sự có 2 tiểu đoàn gồm 1.200 quân. Ngày 10/3, quân đội Bắc Việt mở chiến dịch đánh thẳng vào Ban Mê Thuột, Chính quyền Sài Gòn vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Đến ngày 14/3 chúng tôi mới biết rằng quân đội Bắc Việt đã chiếm được thành phố này. Khi đoàn xe tăng đầu tiên của quân đội Bắc Việt tiến vào Ban Mê Thuột, Tướng Phú tháo chạy về Nha Trang.

(Còn nữa)
Nguyễn Đại Phượng (Lược dịch)

Cuộc họp Nội các và Chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” của Tổng thống Thiệu

Tháng Tư 16, 2011 Bình luận đã bị tắt

Chính quyền Sài gòn những ngày hấp hối (Kỳ 2)

Di tản từ Huế vào Đà Nẵng

Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu là một nhà quân sự, đã từng đọc “Chiến tranh nhân dân” và trải qua chỉ huy chiến đấu ngoài mặt trận.

Khi thiếu tướng Phạm Văn Phú rút khỏi Ban Mê Thuột, với sự nhạy cảm của một nhà binh nghiệp, Tổng thống Thiệu hiểu rằng các trận tấn công của đối phương rải rác khắp nơi cuối cùng rồi cũng chỉ nhằm mục đích làm cô lập Sài Gòn và buộc quân đội Việt Nam Cộng hòa phải dàn trải, căng ra để đối phó. Lúc này phía Việt Nam Cộng hòa chỉ có 3 sư đoàn được triển khai để bảo vệ Sài Gòn. Trong 3 sư này có 2 sư mới được thành lập. Ngoài ra các lữ đoàn thủy quân lục chiến, không vận và biệt kích được giao nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn và dự bị thì lại chưa được thử thách qua chiến đấu.

Trong khi đó, quân đội Bắc Việt đã triển khai được một lực lượng tương đương 6 sư đoàn tại các khu vực quanh Sài Gòn. Như vậy, lực lượng của quân đội Sài Gòn là quá nhỏ so với đối phương. Để tăng cường phòng vệ Sài Gòn, ngày 12/3/1975 Tổng thống Thiệu đã gửi một bức điện khẩn cho tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh quân khu 1 ở Đà Nẵng. Bức điện yêu cầu tướng Ngô Quang Trưởng phải chỉnh sửa lại kế hoạch quân sự của mình để điều sư đoàn không vận về bảo vệ Sài Gòn ngay lập tức.
Sáng hôm sau, Tổng thống Thiệu triệu tập cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia để công bố một quyết định đầy kịch tính. Sau nhiều tháng tranh cãi trong nội bộ, cuối cùng Tổng thống Thiệu đã phải chấp nhận và thực hiện cái điều mà thuộc cấp của ông ta đã thúc giục từ lâu. Đó là hãy từ bỏ một số vùng đất kém hiệu quả thuộc quân khu 1 và quân khu 2 rộng lớn để tập trung lực lượng về bảo vệ Sài Gòn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gọi đây là một khái niệm chiến lược mới “Nhẹ đầu nặng đuôi” (Light at the Top, Heavy at Bottom”.

Thực ra thì trước đó 2 tuần, Thủ tướng Chính quyền Sài Gòn Trần Thiện Khiêm và một nhóm chuyên gia đã nghiên cứu kế hoạch này. Lúc đầu, việc nghiên cứu chỉ nhằm mục đích lập kế hoạch dự phòng để phục vụ cho các sự lựa chọn lâu dài chứ không vì một mục đích cụ thể nào. Chính Tổng thống Thiệu cũng thấy cần thiết phải có một kế hoạch dự phòng như vậy. Nhưng ông ta lại hoàn toàn không muốn để cho các tướng lĩnh dưới quyền mình có cảm giác rằng Tổng thống đang tính đến một một kế hoạch rút lui đáng xấu hổ khỏi một số khu vực xung yếu.
Thủ tướng Khiêm và nhóm chuyên gia chuẩn bị kế hoạch cố ý không đi vào chi tiết hoặc tuyệt đối tránh tham khảo ý kiến của các thành viên khác để giữ bí mật. Việc yêu cầu tướng Ngô Quang Trưởng chuẩn bị rút khỏi một số vùng thuộc quân khu 1 cũng chỉ là yêu cầu chung chung chứ cụ thể quân đội Sài Gòn sẽ rút khỏi vùng đất nào và bao giờ thì chưa được tính đến.

Vài ngày trước khi Ban Mê Thuột bị thất thủ, Bộ trưởng Kinh tế của Chính quyền Thiệu đã đến gặp tham tán phụ trách kinh tế Đại sứ Quán Mỹ Dan Ellerman đánh tiếng về một vài ý tưởng trong kế hoạch dự phòng vốn đang được cân nhắc nói trên. Liệu chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” có bị Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Graham Martin cắt bỏ hay không? Chiến lược mới này có được đưa ra thảo luận ở Washington hay không? Ngày 11/3, chỉ vài giờ trước khi Ban Mê Thuột hoàn toàn lọt vào tay quân đội Bắc Việt, Ellerman mới gửi công văn trả lời Tổng thống Thiệu. Công văn của Đại sứ Quán Mỹ nói rằng việc có nên từ bỏ hay không vùng đất nào là thuộc về quyết định của phía Chính quyền Sài Gòn. Vì “Bất cứ điều gì các bạn làm nếu thực hiện thành công thì thế giới đều tôn trọng”.

Đối với Tổng thống Thiệu, công văn này chẳng khác gì việc đẩy quả bóng sang phía sân của Chính quyền Sài Gòn. Công văn không hề cam kết điều gì và cách phúc đáp như thế là một sự khiếm nhã. Tổng thống Thiệu cho rằng nếu người Mỹ tiếp cận vấn đề quan trọng như thế với một thái độ hời hợt như vậy thì sau này bất cứ vấn đề gì mà Chính quyền Sài Gòn làm họ không có quyền gây ảnh hưởng. Nguyễn Văn Thiệu quyết định sửa đổi toàn bộ chiến lược, cho áp dụng ngay chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” mà không ai có thể ngăn cản được Tổng thống. Do quyết định nhanh chóng, Tổng thống Thiệu không có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng tính thực tiễn của chiến lược.

Từng được quân đội Pháp đào tạo, Tổng thống Thiệu hiểu rất rõ tầm quan trọng của Ban Mê Thuột đối với Tây Nguyên. Thời Pháp thuộc, quân đội Pháp thường coi Ban Mê Thuột là căn cứ chính để từ đó tổ chức các cuộc hành quân ra toàn vùng Tây Nguyên. Nguyễn Văn Thiệu đánh giá cao cách nhìn của người Pháp, cho rằng ai kiểm soát được Ban Mê Thuột, người đó kiểm soát được toàn bộ cửa ngõ phía Tây Sài Gòn. Tại một cuộc họp Nội các khẩn cấp, ngồi chống tay lên cằm Tổng thống Thiệu đưa mắt nhìn khắp lượt các khuôn mặt quanh bàn để tìm người muốn phát biểu. Chẳng ai nói gì. Tất cả họ đều sẵn sàng làm theo ý kiến của Tổng thống. Nguyễn Văn Thiệu bỗng hắng giọng rồi nói rằng ông đã quyết định một bước ngoặt trong lịch sử chiến tranh. Đó là từ bỏ Kontum và Pleiku. Sự rút lui chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” sẽ bắt đầu từ đây.

Cả phòng họp Nội các im lặng. Tổng thống nói tiếp: Một sự rút lui như vậy là cần thiết và hợp logic. Điều này sẽ cho phép điều quân từ Kontum và Pleiku về Ban Mê Thuột vì đây là căn cứ then chốt mà cách đây 20 năm người Pháp đã chứng minh điều đó. Dường như các thành viên Nội các quá bất ngờ về quyết định của Tổng thống hoặc cũng thể do họ quá sợ Tổng thống mà không ai dám phản đối. Chẳng ai góp thêm được ý kiến nào. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bèn tuyên bố kết thúc cuộc họp sau khi đã ra lệnh cho mọi người tham dự phải giữ kín. Ông nói kế hoạch này không được nói lộ ra ngoài kể cả với người Mỹ vì người Mỹ từng có cơ hội để giúp đỡ Chính quyền Sài Gòn nhưng họ đã không làm.

Sau cuộc họp Nội các, Tổng thống Thiệu gặp riêng Trung tướng Ngô Quang Trưởng vừa từ Đà Nẵng bay vào Sài Gòn. Nguyễn Văn Thiệu chào tướng Trưởng một cách lạnh lùng. Ông ta biết chắc viên tư lệnh quân khu 1 này thế nào cũng đề nghị đổi lại quyết định về việc điều sư đoàn không vận về Sài Gòn. Lúc này không còn cơ hội nào để làm điều đó nữa. Chiến lược mới là “Nhẹ đầu nặng đuôi” không cho phép thay đổi. Sư đoàn không vận dứt khoát phải được điều về bảo vệ Sài Gòn ngay lập tức.

Tư lệnh quân khu 1 Ngô Quang Trưởng giẫy nảy người khi nghe Tổng thống ra lệnh. Ông ta tha thiết đề nghị Tổng thống rút lại quyết định vì nếu điều sư đoàn không vận về Sài Gòn trong lúc chưa kịp điều chỉnh kế hoạch quân sự sẽ tạo ra những lỗ hổng phòng thủ. Như vậy căn cứ Quảng Trị từng giao tranh đẫm máu hồi năm 1968 rơi vào tay đối phương sau đó giành lại được năm 1972 sắp tới cũng sẽ phải chịu để mất vì sư đoàn lính thủy đánh bộ bị điều vào Huế và Đà Nẵng lấp chỗ trống của sư đoàn không vận. Tổng thống Thiệu nhìn tướng Ngô Quang Trưởng rồi khẽ gật đầu bày tỏ sự thông cảm.

Sau đó Nguyễn Văn Thiệu đồng ý một sự nhượng bộ nhỏ với viên tư lệnh quân khu 1. Ông ta chấp nhận cho sư đoàn không vận được rút dần. Lữ đoàn đầu tiên của sư đoàn này sẽ được rút khỏi Đà Nẵng ngày 17/3, các đơn vị còn lại phải rút hết trong 8 ngày tiếp theo, giữ lại một lữ đoàn cho đến cuối tháng 3 sẽ rút nốt. Mục đích là để cho tướng Trưởng có thời gian điều chỉnh lại kế hoạch bảo vệ quân khu 1. Ngoài ra, một số đơn vị lính thủy đánh bộ chưa được thử thách từ ngoại ô Sài Gòn sẽ được điều ra quân khu 1 để lấp vào chỗ trống phòng thủ.

(Còn nữa)
Nguyễn Đại Phượng
Lược dịch từ “Decent Interval”